top of page

“NGHIỆN VIỆC” vs “MÊ VIỆC”

Tháng 9 đến, tụi mình đều rục rịch chuẩn bị, lên kế hoạch và mục tiêu cho một năm học “mới” về cả nội dung lẫn hình thức dạy - học. Đây cũng là lúc khúc ca dai dẳng của Gen Z tụi mình về những khó khăn trong việc học và làm việc tại nhà được cất lên lại (và mình cũng không ngoại lệ). Vì vậy, mình đã rảnh rỗi mò mẫm trên mạng để tìm ra cách hiệu-quả-nhất để làm việc hiệu-quả.

Loanh quanh trong một căn nhà, tụi mình khó có thứ gì để phân cách giữa học tập, công việc với cuộc sống cá nhân, dù cho ở khía cạnh không gian hay thời gian đi chăng nữa. Ôm máy tính cày deadline đến 2h sáng rồi lại tự thưởng cho bản thân một giấc ngủ đến giữa trưa, cũng chẳng ai nói gì cả. Vòng luẩn quẩn này cứ như vậy tiếp diễn, rồi tụi mình trở nên “nghiện việc" từ lúc nào không hay. Dần dà, chính chúng ta cũng tự nhận thấy cả tâm trí lẫn thể trạng của chính mình đang bị kiệt quệ (dù thật ra đã làm được gì nhiều đâu?). Nhưng ngoài “nghiện việc", tụi mình còn có những kẻ “mê việc" nữa đó!

Vậy chúng khác nhau chỗ nào ha? Thật ra, cả hai khái niệm này đều chỉ trạng thái làm việc nhiều (nhưng chưa chắc năng suất) hơn mức bình thường. Nói về “nghiện việc" (workaholism), chính chữ “nghiện" cũng đã phần nào thể hiện mặt tiêu cực của nó vì nó khiến công việc luôn len lỏi và hiện hữu trong tâm trí mình. Lúc nghỉ ngơi, tụi mình cứ luôn nghĩ về nó và cảm thấy tội lỗi vì đã không làm nốt đống công việc còn dang dở; nhưng ngay cả trong trạng thái làm việc thì cảm giác tội lỗi vẫn tiếp diễn vì tụi mình biết bản thân đang rất mệt nhưng lại không cho phép chính mình được nghỉ ngơi. Hậu quả của vòng lặp này là trạng thái kiệt quệ (burn out). Khi dành quá nhiều thời gian cho công việc đến mức ngó lơ những yếu tố khác trong cuộc sống, các vấn đề cá nhân, khúc mắc trong những mối quan hệ, sự suy giảm sức khỏe hay chính ảnh hưởng đến hiệu quả công việc là một điều hiển nhiên sẽ diễn ra. Lúc này, công việc mới là thứ đang điều khiển chúng ta. Thay vì trực tiếp đối mặt với những căng thẳng và tìm cách cân bằng lại cuộc sống, tụi mình lại tìm đủ mọi cách để tránh né nó. Để rồi “hiệu ứng bóng tuyết" xảy ra, khiến mọi khủng hoảng ngày một lớn lên và đè ngược lại tụi mình. Đây cũng chính là lúc trạng thái kiệt quệ xảy ra, khiến tụi mình nản lòng và muốn bỏ cuộc.

Còn nói đến “mê việc" (work engagement), trạng thái này được hình thành dựa trên những cảm xúc và năng lượng tích cực - một trong những nguyên liệu chủ chốt giúp làm tăng hiệu quả công việc. Khi cảm xúc là đầu vào, là nguồn động lực chính, những người kiểu này sẽ làm việc khi họ cảm thấy thích thú và tự đặt ra điểm dừng khi bản thân cần được nghỉ ngơi. Chính khoảng thời gian hồi phục này đã giúp họ tái tạo lại nguồn năng lượng đã mất, làm tăng khả năng tự đánh giá năng lực và từ đó, họ lại có thêm năng lượng và sự hứng khởi để tiếp tục làm việc. Đều là một vòng lặp, nhưng vòng lặp này tối ưu và hiệu quả hơn không chỉ về công việc mà còn về các mối quan hệ, sức khoẻ… nữa. Những điều này có thể được thể hiện qua một biểu đồ trong nghiên cứu dưới đây:

Nguồn: Marjan J. Gorgievski, J.A. Moriano & Arnold B. Bakker, 2014

Biết là vậy, tại sao tụi mình vẫn thường có xu hướng “nghiện việc" hơn nhỉ? Khi định nghĩa “thành công” và “giá trị bản thân" được soi xét và đánh giá phần lớn dựa trên thành tựu “về mặt công việc", tụi mình nghe nhiều thành quen, rồi cũng bắt đầu tin rằng bản thân chưa đủ tốt, chưa đủ “thành công" và “có giá trị". Bị ám ảnh bởi điều này, nhiều người lao đầu vào làm việc liên tục với mong muốn được chứng minh năng lực của bản thân nhiều hơn nữa.

Vậy thì, đâu là lời giải đáp? Hãy tự làm chủ bản thân, làm chủ những điều mình làm để biết tự đánh giá năng lực và điều chỉnh lại cảm xúc sao cho phù hợp nhất. Theo mình, việc học và làm việc online ở nhà đã mở một cơ hội rất lớn để tụi mình tự lên kế hoạch và sắp xếp mọi thứ tùy sở thích cá nhân, vậy nên hãy tận dụng nó nha. Và cuối cùng, hãy dịu dàng với bản thân một xíu. Cuộc sống đã khắc nghiệt với tụi mình rồi, đừng tự tàn nhẫn với bản thân thêm nữa chứ. Tụi mình có 24 tiếng một ngày, dành hết 8 tiếng để ngủ, thêm 8 tiếng nữa để học tập và làm việc. Tại sao phải dành nốt 8 tiếng còn lại để ôm việc rồi lại tự kiệt sức ha?

 

Mình có một số lưu ý nhỏ cho bài viết trên:

  1. Do nguồn thông tin mình thu thập chủ yếu bằng tiếng Anh nên khi dịch qua tiếng Việt khó tránh khỏi những sai sót về mặt ngữ nghĩa. Mình có để một số từ trong dấu ngoặc kép để thể hiện điều này.

  2. Những nguồn mình đã tham khảo trước khi viết:

 

Cảm ơn mọi người vì đã đọc đến đây. Stay home, stay safe and hope to hear your feedback!



コメント


bottom of page